Thi
thoảng mình có giúp một đôi chùa bảo lãnh người xuất gia ở Việt Nam qua
Mỹ hay Canada. Ngược lại, mình cũng giúp vài tăng ni muốn qua xứ này.
Tất nhiên là có nhiều người xuất gia xin mình qua bên này nhưng mình từ
chối nhiều vì không giới thiệu người không quen.
Khi có chùa nào có ý
nhờ mình kiếm một vài vị xuất gia Việt Nam qua, mình kiếm nếu thấy vị
xuất gia Việt Nam hợp với chùa này thì giúp kết nối. Không hợp thì không
giới thiệu. Ngược lại cũng thế, khi có tăng ni nào muốn qua Mỹ, mình
kiếm chùa nào thấy hợp thì giới thiệu. Không hợp thì không giới thiệu.
Theo
thời gian, mình cảm thấy cần đứng trung gian, nói vui là làm ông tơ bà
mối tâm linh, kết hợp giữa hai bên. Nếu chỉ kết nối 2 bên để cả hai tự
liên lạc sẽ không hiệu quả. Lý do là văn hoá im lặng (culture of
silence) ở hai nền văn hoá Việt và văn hoá Phật Giáo làm 2 bên không đủ
khả năng nói thẳng những mong muốn rồi cùng thương lượng. Nên khi qua
đôi khi tạo ra những bất như ý không ai muốn rồi đổ bể.
Văn háo im
lặng tức là bên nào cũng ừ, nhưng tâm thức 2 bên lại có ước vọng khác.
Cuối cùng không phù hợp phiền lắm. Kiểu không nói mà làm. Khi làm trung
gian, mình ý thức không để cho bên nào thiệt thòi quá nhiều. Tâm lý học
mối quan hệ dạy mình rằng bánh ít đi thì bánh quy lại. Một mối quan hệ
bền hơn nếu 2 bên cống hiến cho nhau tương đối bằng nhau. Nếu một bên
cho đi nhiều hơn thì cán cân quan hệ sẽ chênh và có tiềm năng đổ vỡ. Nên
nhìn từ hai phía. Vấn đề tài chính nên thảo thuận rõ ràng trước.
Bên tăng ni Việt có khó khăn. Có sư cô đã từng qua Úc, không phải mình
giới thiệu, ở trong chùa làm việc quần quật nửa năm không có thù lao tài
chính gì. Rồi sau đó chùa mua vé máy bay cho sư cô về. Chuyện ăn ở vé
máy bay chùa lo hết trong thời gian sư cô sống nơi chùa Úc này, nhưng sư
cô không có tài chính. Nhiều người dùng sợi dây xích vô sản kiểu tu đâu
cần tiền. Chuyện này cũng bình thường đối với tôn giáo Ấn Độ vốn ngợi
ca vô sản. Với sư cô này thì sư cô bảo sự cô đã bị “bóc lột sức lao
động.” Nói vui, sự giống nhau giữa osin và nô lệ là cả hai đều được ăn ở
miễn phí và có công việc. Sự khác nhau là osin có lương, dù có thể
khiêm tốn, còn nô lệ thì không có tài chính. Hiện tại thì về kinh tế,
văn minh nhân loại đi ngược với tôn giáo Ấn Độ. Loài người đi theo Đạo
Đức Tin Lành (Protestant ethics), kiểu đại khái càng có tài chính thì
tốt. Rồi quy định mức lương tối thiểu (minimum wage) nữa, nếu “chủ” mà
trả thấp hơn mức đó là vi phạm pháp luật, nếu bằng hay nhỉnh hơn mà lâu
quá không lên lương là bị đặt câu hỏi liệu có vi phạm đạo đức. Đây là mô
hình nhìn chung được toàn cầu đón nhận rộng rãi. Rồi sư cô này nhờ mình
qua nước phát triển. Mình hỏi đi làm gì trong bao lâu? Sư cô bảo muốn
có một số tài chính để sửa cốc đã cũ mưa dột chứ không muốn định cư lâu
dài. Nhưng hơi ngán trụ trì bóc lột sức lao động mà chả có đồng nào.
Mình thích người nói rõ như thế để mà thu xếp. Tu tập cũng cần tài chính
để lo tiền điện, nước, sửa chùa…chứ ăn không khí sao được. Thế là mình
xin trụ trì một chùa bên Canada cho sư cô qua. Mình hỏi trước trụ trì
cho sư cô bao nhiêu tiền mỗi tháng. Ni sư bảo cho 200 đô la Canada và
còn cúng đám có tiền cũng như đi lễ các nơi khác cũng có thêm tiền. Sư
cô sẽ qua tu tập và phụ làm việc chùa như nấu ăn chay, quét chùa, tưới
cây trong vườn,…Khi hai bên đồng ý, sư cô đã qua ở nửa năm và sau đó về
lại Việt Nam, cầm theo một số tiền về sửa chùa. Sư cô đã không bị “bóc
lột” vì sự rõ ràng tài chính ngay từ đầu.
Bên trụ trì chùa ở nước
ngoài cũng khó khăn. Trước khi sư cô này qua, ni sư trụ trì bảo trước đã
bảo lãnh một sư cô qua. Nhưng sư cô này ở được 1-2 tháng thì bảo mẹ
bệnh nặng cần tài chính chăm sóc nên xin không ở chùa mà thuê phòng trọ
đi hái nấm cho công ty có tiền. Ni sư cũng chấp nhận thôi vì mẫu tử
thiêng liêng mà. Tưởng chuyện bình thường nhưng việc này tạo khó khăn
cho trụ trì. Vì ni sư không có lương, hệ quả của văn hoá vô sản, nên
sống bằng sự cúng dường của Phật Tử (tất nhiên ni sư giảng đạo cho họ).
Khi xin bảo lãnh sư cô này, ni sư đã thuyết phục nhóm Phật Tử cho mượn
mấy chục ngàn đô để bỏ vào ngân hàng làm thủ tục bảo lãnh. Rồi tiền làm
giấy tờ, mua vé máy bay, mua sắm trang hoàng phòng ốc đón sư cô…tất cả
đều chi tiền mà ni sư đâu có lương, phải xin Phật Tử và kể rõ lý do rằng
muốn một sư cô qua phụ việc chùa. Khi sư cô đi hái nấm, không ở chùa
nữa, ni sư khó ăn nói với nhóm Phật Tử này. Vài lần như vậy nữa chắc chả
ai giúp tài chính cho ni sư. Nên ni sư cũng ngán bảo lãnh người xuất
gia ở Việt Nam qua. Biết được như thế, mình trao đổi với sư cô bên Việt
Nam là sư cô nếu ở được thì ở chùa, không hợp thì sau vài tháng nửa năm
xin về Việt Nam. Sau này muốn đi qua lại mình sẽ kiếm chùa khác chứ
không nên cãi vã ầm ỹ rồi xích mích với trụ trì, bỏ thuê phòng trọ bên
ngoài nói xấu trụ trì để lấy lòng một vài Phật Tử của chùa, hay bỏ đi
chùa khác sống. Như thế là không đẹp lòng trụ trì. Phải giữ uy tín thì
lần sau mình sẽ giúp tiếp. Sư cô chấp nhận.
Vì thế nên 2 bên sống với nhau cũng kha khá ổn, nói chung là không gây gỗ phiền muộn gì nhiều. Thế là quý rồi.
Trên thực tế mình kinh nghiệm, như đã nói, nếu cán cân lệch một bên quá
thì mối quan hệ sẽ khó khăn. Đến từ hai phía. Nếu một trụ trì bảo cúng
dường một số tài chính mỗi tháng ít quá, sư cô trong nước sẽ không muốn
đi hay không háo hức đi. Sư cô ấy cũng cùng lúc đó kiếm những chùa khác
để có thêm chọn lựa chứ chả dại gì sống chết hết lòng với một nơi. Đất
lành, chim đậu. Khi kiếm được nơi khá hơn thì sư cô sẽ đi, bái bai chùa
này. Chuyện từ chối không đi qua Mỹ mình có kinh nghiệm khi giúp một đôi
người. Hiện tại, lợi thế khi sống ở Mỹ, Canada không còn quá lớn như
vài chục năm trước khi so với sống ở Việt Nam. Hay là sư cô sẽ ở Việt
Nam với một số cơ hội mà không cần đi nước ngoài nữa.
Ở bên kia, nếu
người xuất gia Việt tuyên bố vô sản, nhờ bên chùa nước ngoài làm giấy,
mua vé máy bay, xin làm giấy thường trú…mọi thứ thì trụ trì bên này cũng
khá miễn cưỡng chấp nhận. Trụ trì cũng kiếm thêm những mối quan hệ để
có thể mời một vị khác, người bảo tự mua vé máy bay, hay tốt hơn là tự
chuẩn bị tài chính làm giấy thường trú. Đặt lên bàn cân, một bên tuyên
bố vô sản đòi trụ trì giúp tất còn vị xuất gia kia có thể tự lo tài
chính bán phần/một phần, trụ trì sẽ chọn người thứ hai.
Thương
lượng tài chính là một trong vài vấn đề chính mình làm khi đứng ra trung
gian giữa hai bên. Nói ra chuyện này hơi kì cục với một số người vì họ
hay nghĩ tu cần gì tiền. Lý thuyết thì đúng như vậy tu không cần tiền
nhưng lý thuyết thì xám xịt còn cây đời cứ mãi xanh tươi. Con người
trong thế kỉ 21 ở một nước phát triển Âu Mỹ sẽ khác với con người tiền
sử sống trong rừng thời đồ đồng Ấn Độ. Tất nhiên là mình cũng trao đổi,
chia sẻ với cả hai bên về nhiều khía cạnh khác như giáo dục (người mới
qua sẽ học tiếng Anh hay hơn nữa ra sao), y tế (có bảo hiểm y tế ra
sao), phụng sự (làm việc gì bên chùa)…
Ông Tơ Bà Mối Tâm Linh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét